15 loại lá cây tắm trị ngứa an toàn, hiệu quả, bạn đã biết chưa?

Khi bị ngứa, nhiều người thường truyền nhau cách dùng lá cây tắm trị ngứa. Phương pháp này được cho là giúp cơ thể thư giãn và giảm sưng, ngứa hiệu quả. Vậy bị ngứa toàn thân tắm lá gì, lá cây tắm trị ngứa là những lá nào, cách sử dụng ra sao để tránh lợi bất cập hại? 

Mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được 15 loại lá cây tắm trị ngứa hữu hiệu, lành tính.

Vì sao bị ngứa, ngứa là do đâu?

Ngứa ngoài da là một triệu chứng rất thường gặp ở mọi lứa tuổi và gần như trong chúng ta ai cũng có dấu hiệu này ít nhất vài lần trong đời. Ngứa ngoài da có thể là biểu hiện của rất nhiều mặt bệnh khác nhau, đơn giản nhất và cũng dễ tìm thấy nguyên nhân nhất là vài vết côn trùng cắn; bên cạnh đó là các bệnh lý về dị ứng bao gồm viêm da cơ địa, mề đay dị ứng với thời tiết, thức ăn, phấn hoa… Bất kể yếu tố nào trong đời sống hàng ngày cũng có thể là nguyên nhân gây ngứa ngoài da đối với người có cơ địa dị ứng. Ngoài ra còn các bệnh lý khác nữa bao gồm bệnh lý gan mật, ký sinh trùng giun, sán… cũng có biểu hiện là ngứa ngoài da. Tuy nhiên, với các loại bệnh lý khác nhau sẽ có đặc trưng khác nhau trong biểu hiện ngứa ngoài da, bạn cần được khám xét một cách bài bản bởi bác sĩ chuyên khoa để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.

Tại sao nên dùng lá cây tắm trị ngứa?

Khi bị ngứa toàn thân tắm lá gì? Trước khi đi tìm câu trả lời cho thắc mắc này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu về việc tại sao nên dùng lá cây tắm trị ngứa.

Do việc sử dụng các loại thuốc đầu tay điều trị ngứa thường là kháng histamin hoặc thuốc bôi có chứa corticoid nên việc điều trị trong thời gian dài có thể có các tác dụng không mong muốn. Cũng vì điều này mà ngày nay, không ít người lựa chọn việc dùng các loại lá cây tắm trị ngứa da, ngứa toàn thân. Theo chia sẻ của nhiều người thì đây là biện pháp lành tính, ít gây ra các tác dụng phụ.

Một nghiên cứu được thực hiện để so sánh hiệu quả của việc sử dụng thảo dược tắm trị các triệu chứng viêm, ngứa da và sử dụng thuốc toàn thân và thuốc bôi để điều trị tại chỗ cho thấy:

  • Liệu pháp tắm thảo dược đưa lại hiệu quả vượt trội hơn đáng kể
  • Tỷ lệ khỏi bệnh của nhóm tắm thảo mộc cao hơn đáng kể
  • Tỷ lệ tái phát và tỷ lệ phản ứng không mong muốn khi tắm lá thấp hơn rõ rệt
  • Việc sử dụng các loại lá cây tắm trị ngứa có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng tổn thương da, ngứa và các triệu chứng khác.

Ngoài ra, liệu pháp tắm thảo dược cũng hữu ích trong việc làm giảm số lần sử dụng thuốc điều trị, từ đó hạn chế các tác dụng phụ của thuốc uống đối với cơ thể ở một mức độ nhất định.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, liệu pháp tắm thảo dược này có đặc điểm tăng thân nhiệt, có thể đẩy nhanh quá trình tuần hoàn máu bằng cách làm giãn mao mạch. Khi kết hợp với việc dùng thuốc điều trị có thể giúp thúc đẩy quá trình hấp thụ thuốc trực tiếp qua da tại các vị trí bị tổn thương, hỗ trợ phát huy hết vai trò điều trị.

Mách bạn 15 loại lá cây tắm trị ngứa an toàn, hiệu quả

Nếu bạn đang thắc mắc bị ngứa toàn thân tắm lá gì, đừng bỏ qua 15 loại lá cây tắm trị ngứa mà Hello Bacsi tổng hợp được dưới đây. Điểm chung của các loại thảo dược này là có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và điều hòa miễn dịch, từ đó giúp giảm ngứa và hỗ trợ điều trị tác nhân gây ngứa hiệu quả.

1. Bị ngứa toàn thân tắm lá gì? Lá ổi non

Lá ổi non lâu nay nổi tiếng với tác dụng làm săn se niêm mạc, trị tiêu chảy. Ngày nay, lá ổi còn được nghiên cứu chứng minh là có các tác dụng khác như hỗ trợ ổn định đường huyết, giảm cân… Lá ổi có đặc tính kháng viêm, chống oxy hóa, giúp giảm ngứa, phục hồi làn da bị tổn thương và hỗ trợ điều trị viêm da dị ứng hiệu quả.  Trong Đông y, lá ổi có vị đắng, tính ấm nên có công dụng chữa mẩn ngứa, đốm đỏ.

Cách tắm lá ổi non trị ngứa da như sau:

  • Bước 1: Rửa sạch lá ổi non
  • Bước 2: Đun sôi lá ổi với 2 lít nước trong khoảng 15 phút
  • Bước 3: Tắt bếp, đổ nước lá ổi ra thau
  • Bước 4: Thêm nước lạnh vào thau đến khi nhiệt độ nước trong thau vừa đủ ấm là được
  • Bước 5: Tắm rửa với nước lá ổi và ngâm vùng da bị tổn thương trong nước lá ổi khoảng 15 phút. Có thể dùng phần bã chà nhẹ lên da để tăng hiệu quả giảm ngứa.
2. Lá bàng non 

Nếu bạn đang thắc mắc tắm lá gì để hết ngứa, ngoài lá ổi non, bạn có tể dùng lá bàng non. Lá bàng chứa nhiều tanin, flavonoid, giúp giảm viêm nhiễm và hỗ trợ điều trị nổi mẩn ngứa, dị ứng da… Lá bàng non còn có hiệu quả điều trị tổn thương da do bệnh vảy nến gây ra.

Cách dùng lá cây bàng non trị ngứa da:

  • Bước 1: Rửa sạch khoảng 5 – 7 lá bàng non tươi rồi để ráo
  • Bước 2: Đun sôi lá bàng non với 2 lít nước
  • Bước 3: Khi nước sôi, vặn nhỏ lửa rồi tiếp tục đun trong 10 phút và tắt bếp
  • Bước 4: Đổ nước ra thau, đợi nguội bớt rồi tắm hoặc rửa vùng da bị ngứa.

Mẹo

Nếu bị ngứa, bạn có thể tắm nước lá bàng non thường xuyên để điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát.

3. Lá cây cỏ sữa tắm trị ngứa

Cỏ sữa là một trong những lá cây tắm trị ngứa hiệu quả đối với các bệnh lý như dị ứng da, nổi mề đay, rôm sảy… Ở nước ta có 2 loại là cỏ sữa lá to và cỏ sữa lá nhỏ. Cả hai loại đều là những vị thuốc được dùng phổ biến trong Đông y, có tính vị, tác dụng, cách dùng tương tự như nhau. Nhưng khi nhắc đến cỏ sữa dùng để tắm trị ngứa thì loại hay được dùng hơn là cỏ sữa lá to. Theo y học cổ truyền, cỏ sữa lá to có vị cay, chua, tính mát, hơi có độc, quy vào 3 kinh phế, bàng quang, đại tràng, tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm, chỉ ngứa.

Cách tắm lá cỏ sữa trị ngứa:

  • Bước 1: Rửa sạch một nắm cỏ sữa, để ráo
  • Bước 2: Vò nhẹ cho nát và ra tinh dầu
  • Bước 3: Đun cỏ sữa với 3 lít nước đến khi sôi thì tắt bếp
  • Bước 4: Đổ nước ra thau, pha thêm nước lạnh cho nguội bớt rồi tắm rửa vùng da bị ngứa.
4. Lá khế

Nếu bạn đang thắc mắc bị ngứa toàn thân tắm lá gì? Gợi ý là bạn có thể tắm lá khế. Lá cây khế chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa, rất tốt cho da bị dị ứng, ngứa ngáy. Tắm nước lá khế hoặc lấy lá khế xát nhẹ lên vùng da đang ngứa. Điều trị ngứa ngoài da bằng lá khế đặc biệt hiệu quả ở bệnh nhân ngứa da do mề đay.

Cách dùng lá cây khế tắm trị ngứa:

  • Bước 1: Rửa sạch một nắm lá khế tươi, để ráo
  • Bước 2: Đun lá khế với 2 lít nước trong khoảng 15 phút
  • Bước 3: Đổ nước lá khế ra thau, pha thêm nước lạnh cho nguội bớt rồi tắm.

Mẹo

Để đạt hiệu quả trị ngứa tối đa, bạn nên tắm nước lá khế từ 3-4 lần/tuần.

5. Lá cây tắm trị ngứa: Lá trầu không 

Bị ngứa da tắm nước gì để hết ngứa? Thực tế là khi mắc các bệnh về da gây ngứa ngáy, nhiều người thường nghĩ ngay đến việc tắm nước lá trầu không.

Lá trầu không chứa nhiều hoạt chất tanin, flavonoid giúp kháng khuẩn, kháng viêm, chống oxy hóa hiệu quả. Theo y học cổ truyền lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn. Do đó, nếu bạn bị nổi mẩn ngứa, bị các bệnh về da gây ngứa, hãy thử tắm bằng nước lá trầu không.

Cách dùng lá trầu không trị ngứa:

  • Bước 1: Rửa sạch một nắm lá trầu không, để ráo
  • Bước 2: Đun lá trầu không với 2 lít nước trong khoảng 10 phút
  • Bước 3: Đổ nước lá trầu không ra thau, pha thêm nước lạnh cho nguội bớt rồi tắm.

6. Tắm lá tía tô trị ngứa

Một trong những lá cây tắm trị ngứa không thể không kể đến là lá tía tô. Theo y học cổ truyền, tía tô có vị cay tính ấm, quy kinh phế, tỳ, thận; có tác dụng phát tán phong hàn, trị ho long đờm, giải độc cua cá… Không chỉ được sử dụng như một loại rau gia vị, lá tía tô còn được dùng để chữa các bệnh lý về da như nổi mề đay, mẩn ngứa.

Cách tắm lá tía tô trị ngứa:

  • Bước 1: Rửa sạch một nắm lá tía tô, để ráo
  • Bước 2: Vò nhẹ lá tía tô cho nát và ra tinh dầu
  • Bước 3: Cho lá tía tô vào thau, đổ nước sôi vào thau và hãm trong khoảng 10 phút
  • Bước 4: Khi nước nguội bớt thì dùng để tắm rửa vùng da bị ngứa.

7. Lá chè xanh tắm trị ghẻ ngứa

Lá chè xanh nổi tiếng với đặc tính chống oxy hóa, kháng khuẩn vượt trội, giúp lành thương trên da nhanh chóng nhờ chứa nhiều tanin, vitamin và amino acids khác nhau. Không những thế, hương thơm tươi mát của lá chè xanh còn giúp bạn cảm thấy dễ chịu, từ đó có thể giảm cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Nước sắc từ lá chè xanh cũng rất lành tính, an toàn cho cả trẻ nhỏ điều trị bệnh lý viêm da cơ địa hay là rôm sảy.

Cách dùng lá chè xanh trị ngứa:

  • Bước 1: Rửa sạch một nắm lá chè xanh, để ráo
  • Bước 2: Vò nhẹ lá chè xanh cho nát và ra tinh dầu
  • Bước 3: Đun sôi lá chè xanh với 2 lít nước rồi tắt bếp
  • Bước 4: Đổ nước lá chè xanh vào thau, pha thêm nước lạnh để nước chè xanh nguội bớt
  • Bước 5: Dùng nước lá chè xanh để tắm rửa vùng da bị ngứa, ít nhất 3 ngày liên tục.

8. Lá cây chè vằng tắm trị ngứa

Bị ngứa toàn thân tắm lá gì hay bị ngứa da tắm nước gì để hết ngứa? Nhiều người truyền tai nhau là khi bị ngứa hãy tắm nước lá chè vằng. Loại thảo dược này được cho là có công dụng hỗ trợ điều trị viêm ngứa da, lở loét ngoài da hiệu quả. Nguyên nhân là vì trong lá chè vằng có chứa các hợp chất chống oxy hóa mạnh như flavonoid, alkaloid. Đông y ghi nhận, lá chè vằng có vị đắng, tính mát. Ngoài giảm mẩn ngứa, loại lá này còn giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu viêm.

Cách dùng lá cây chè vằng tắm trị ngứa:

  • Bước 1: Rửa sạch một nắm lá cây chè vằng, để ráo
  • Bước 2: Đun sôi lá chè vằng với 2 lít nước rồi tắt bếp
  • Bước 3: Đổ nước lá chè vằng vào thau, pha thêm nước lạnh để nước chè vằng nguội bớt
  • Bước 4: Dùng nước lá chè vằng để tắm rửa vùng da bị ngứa.

9. Bị ngứa tắm lá gì? Ngải cứu

Nghiên cứu cho thấy, ngải cứu có tinh dầu với với thành phần chống viêm, kháng khuẩn rất tốt nên được dùng làm bài thuốc hữu hiệu có tác dụng chữa mẩn ngứa, mề đay, mụn nhọt… Ngải cứu tươi có thể đâm nhuyễn đắp trực tiếp lên vết mẩn ngứa hoặc mụn nhọt giúp kháng viêm hiệu quả tốt. Hoặc dùng đun lấy nước tắm chữa rôm sảy, mề đay có hiệu quả trong việc chống lại các triệu chứng dị ứng, bao gồm cả dị ứng da. Do đó, nếu bạn bị ngứa da do dị ứng, hãy thử dùng lá cây ngải cứu tắm trị ngứa.

Cách tắm lá ngải cứu chữa ngứa:

  • Bước 1: Rửa sạch một nắm lá ngải cứu, để ráo
  • Bước 2: Đun sôi lá ngải cứu với 2 lít nước rồi tắt bếp
  • Bước 3: Đổ nước lá ngải cứu vào thau, hòa tan một ít muối biển, pha thêm nước lạnh để nước ngải cứu nguội bớt
  • Bước 4: Dùng nước lá ngải cứu để tắm rửa vùng da bị ngứa.
Lưu ý
Nước lá ngải cứu có thể gây dị ứng đối với một số người có cơ địa nhạy cảm. Do đó, bạn nên thử nước lá ngải cứu ở vùng da nhỏ trước khi tắm.

10. Lá cây tắm trị ngứa: Lá kinh giới 

Lá kinh giới là loại cây thuốc Nam nổi tiếng trong điều trị các bệnh lý ngoài da. Các nhà khoa học cho rằng, lá kinh giới có hiệu quả trong việc điều hòa miễn dịch, giúp cơ thể tăng cường chức năng hàng rào bảo vệ da, giảm nhiễm trùng, giảm viêm ngứa. Do đó, nếu bị ngứa da, bạn có thể thử dùng lá kinh giới để giảm cơn ngứa ngáy khó chịu.

Cách tắm lá kinh giới trị ngứa:

  • Bước 1: Rửa sạch một nắm lá kinh giới, để ráo
  • Bước 2: Vò nhẹ lá kinh giới cho nát và ra tinh dầu
  • Bước 3: Cho lá kinh giới vào thau, đổ nước sôi vào thau và hãm trong khoảng 10 phút
  • Bước 4: Khi nước nguội bớt thì dùng để tắm rửa vùng da bị ngứa.

11. Lá diếp cá 

Cần tắm lá gì để hết ngứa? Ngoài các loại lá kể trên, bạn có thể dùng lá rau diếp cá. Bạn thường nghe đến rau diếp cá và những công dụng tuyệt vời trong việc điều trị bệnh trĩ nội và trĩ ngoại, nhưng chưa từng nghe đến khả năng điều trị các bệnh ngoài da của loại rau này? Thành phần hoạt chất trong rau diếp cá có chứa các chất kháng sinh, kháng viêm, vì vậy có thể sử dụng rau diếp cá trong điều trị da đang mẩn ngứa.

Cách dùng lá cây diếp cá trị ngứa:

  • Bước 1: Rửa sạch rau diếp cá rồi ngâm với nước muối loãng khoảng 10 phút
  • Bước 2: Vớt rau diếp cá ra để ráo rồi cho vào cối giã nhuyễn
  • Bước 3: Chắt lấy nước cốt rau diếp cá, đem pha với nước ấm để tắm. Bạn cũng có thể dùng bã rau diếp cá đắp lên vùng da bị ngứa.

Mẹo:

Bạn nên tắm nước lá diếp cá 3 lần/tuần để nhanh giảm ngứa.

12. Lá cây bồ công anh tắm trị ghẻ ngứa

Bồ công anh không chỉ chứa nhiều vitamin rất tốt cho da, mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, nhờ đó mà có tác dụng tiêu viêm tốt, sát khuẩn cao, giúp chống nhiễm vùng da tổn thương, có lợi trong việc điều trị ghẻ ngứa. Trong y học cổ truyền, bồ công anh có vị đắng, tính hàn, thường được sử dụng trong các bài thuốc thanh nhiệt giải độc, điều trị mụn nhọt hay các bệnh lý ngoài da.

Cách dùng lá cây bồ công anh tắm trị ghẻ ngứa:

  • Bước 1: Rửa sạch một nắm lá bồ công anh tươi, để ráo
  • Bước 2: Đun sôi lá bồ công anh tươi với 2 lít nước
  • Bước 3: Khi nước sôi, vặn nhỏ lửa và tiếp tục đun trong khoảng 5 – 10 phút rồi tắt bếp
  • Bước 4: Đổ nước lá bồ công anh vào thau, đơi nguội bớt
  • Bước 5: Dùng nước lá bồ công anh để tắm rửa vùng da bị ngứa.

Mẹo

Bạn nên tắm nước lá bồ công anh tươi 2 lần/tuần để nhanh giảm ngứa.

13. Nước rau sam

Theo y học cổ truyền, rau sam có vị chua, tính lạnh, giúp thanh nhiệt giải độc. Khi phơi khô, nó được dùng để trị sốt, kiết lỵ, tiêu chảy, tiêu ra máu, giun sán, chàm, mụn nhọt, ho lâu ngày.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, rau sam có tác dụng chống viêm hiệu quả. Các hợp chất chống oxy hóa trong lá rau sam có thể giúp da kháng khuẩn, tiêu viêm, chống oxy hóa, hỗ trợ điều trị các bệnh lý về da như nổi mề đay, mẩn ngứa.

Cách dùng lá rau sam tắm trị ngứa:

  • Bước 1: Rửa sạch rau sam rồi ngâm với nước muối loãng khoảng 10 phút
  • Bước 2: Đun sôi rau sam với 2 lít nước trong tối đa 15 phút
  • Bước 3: Đổ nước rau sam vào thau, pha thêm nước lạnh để nước rau sam nguội bớt
  • Bước 4: Dùng nước rau sam để tắm rửa vùng da bị ngứa.

14. Lá tắm trị ngứa: Sài đất

Theo y học cổ truyền, sài đất còn có tên gọi khác là húng trám, ngổ núi, là loại cây mọc dại, xuất hiện ở những vùng ẩm ướt, dân gian thường hay sử dụng thảo dược này để giải độc, thanh nhiệt, tiêu viêm… Ngoài ra, sài đất còn được sử dụng để chữa rôm sẩy, vết đốm đỏ rất tốt vì có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, hỗ trợ chữa mụn nhọt, lở loét ngoài da. Do đó, nếu bạn bị ngứa ngoài da do nổi mụn nhọt hoặc lở loét da, hãy dùng lá cây sài đất để tắm trị ngứa.

Cách tắm sài đất trị ngứa:

  • Bước 1: Rửa sạch một nắm sài đất tươi hoặc 50g sài đất khô rồi để ráo
  • Bước 2: Đun sôi sài đất với 2 lít nước trong khoảng 15 phút
  • Bước 3: Đổ nước sài đất vào thau, đợi nước nguội rồi dùng để tắm rửa vùng da bị ngứa. Bạn nên tắm nước sài đất 4-5 lần/tuần đến khi giảm mẩn ngứa.

15. Hoa xu xi

Nếu bạn thắc mắc bị ngứa toàn thân tắm lá gì, hãy để Hello Bacsi gợi ý cho bạn một loại thảo dược có lợi đối với làn da đang trong tình trạng nhạy cảm: Calendula officinalis hay còn gọi là hoa xu xi hoặc cúc kim tiền. Chiết xuất từ hoa cúc kim tiền có nhiều thành phần giúp chống viêm, giảm sưng phù, kháng khuẩn, chống oxy hóa, làm lành vết thương và cung cấp dưỡng chất cho da cũng như cho sức khỏe. Calendula có công dụng hỗ trợ điều trị vùng da bị viêm, đẩy nhanh quá trình chữa lành vết loét hở.

Cách tắm Calendula trị ngứa:

  • Bước 1: Rửa sạch 6 muỗng hoa cúc kim tiền khô rồi để ráo
  • Bước 2: Đun sôi cúc kim tiền với 2 lít nước rồi tắt bếp
  • Bước 3: Đổ nước cúc kim tiền vào thau, đợi nước nguội rồi dùng để tắm rửa vùng da bị ngứa.
Dùng lá cây tắm trị ngứa cần lưu ý gì để tránh lợi bất cập hại? 

Như vậy là bạn đã biết được 15 loại lá cây tắm trị ngứa. Việc sử dụng thảo dược để nấu nước tắm được cho là an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, bạn vẫn cần lưu ý một số điều sau:

  • Nếu có cơ địa dễ bị dị ứng, bạn nên lựa chọn loại lá cây phù hợp và thử trên vùng da nhỏ trước khi tắm toàn thân.
  • Bạn nên rửa sạch lá cây và ngâm nước muối loãng trước khi nấu để loại sạch bụi bẩn và vi khuẩn (nếu có).
  • Không tắm khi nước còn quá nóng để tránh bị bỏng da, làm trầm trọng hơn tình trạng da hiện tại.
  • Không chà xát, gãi mạnh vùng da bị tổn thương để tránh gây nhiễm trùng da và phản tác dụng.
  • Trường hợp bạn đã sử dụng biện pháp tắm thảo dược mà tình trạng bệnh ko tiến triển thì bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để có thể chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhất.
  • Đối với trường hợp bé nhỏ bạn nên cho bé tắm với các loại thảo mộc lành tính, liều lượng thảo mộc khoảng bằng ⅓-½ so với người lớn.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được các loại lá cây tắm trị ngứa hiệu quả.

theo Hellobacsi

15 loại lá cây tắm trị ngứa an toàn, hiệu quả, bạn đã biết chưa? (hellobacsi.com)