Cây Sả có tác dụng gì?

Cây sả ngoài công dụng giúp làm tăng hương vị cho món ăn thêm phần đậm đà mà còn mang lại nhiều tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Các thành phần tự nhiên chứa trong nguyên liệu này không những giúp giải độc cơ thể, hỗ trợ điều trị trầm cảm, rối loạn kinh nguyệt mà còn phòng ngừa ung thư.

+ Tên khác: Sả chanh, cỏ sả, hương mao hoặc lá sả

+ Tên khoa học: Cymbopogon flexuosus Stapf (Sả chanh), Cymbopogon winterianus Jowitt (sả Java)

+ Họ: Lúa Poaceae (Gramineae)

I. Mô tả cây sả

+ Đặc điểm sinh thái của cây sả

  • Sả chanh: Là dạng cây mọc theo dạng bụi, sống lâu năm với thân cao từ 1 – 1,5 m. Cây có thân rễ màu trắng xanh hoặc hơi tía. Phiến lá dài khoảng 1 m, hẹp với các bẹ lá cuốn chặt vào nhau. Mép lá sờ hơi nhám và cò mùi thơm dễ chịu. Bẹ lá không có lông nhưng có sọc dọc. Hoa mọc thành cụm gồm nhiều hoa nhưng không có cuống.
  • Sả Java: Mọc dạng bụi có thân cao khoảng 2 m. Thân gốc có màu hồng hoặc đỏ tím. Rễ cây phát triển khỏe ăn sâu vào lòng đất khoảng 20 – 25 cm. Lá thuôn dài, có màu xanh, mép lá nhám. Khi trưởng thành, lá rủ xuống khoảng 2/3 phiến lá với các bẹ lá quấn chặt lấy nhau, bao bọc lấy câu. Hoa mọc thành từng chùm thẳng đứng.

+ Phân bố

  • Sả chanh: Có nguồn gốc từ Ấn Độ sau đó được du nhập và trồng ở tất cả các tỉnh thành ở nước ta, đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
  • Sả Java: Xuất xứ từ đảo Java của Indonexia và hiện nay có thể tìm thấy ở các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Madgascar,…

+ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến 

  • Bộ phận dùng: Thân và lá
  • Thu hái: Thu hoạch quanh năm
  • Chế biến: Dùng tươi nên chỉ cần hái về rửa sạch và dùng

+ Thành phần hóa học

Cây sả có các thành phần chính như citronella, citra, geraniol và citronellol

II. Vị thuốc

+ Tính vị

Tính ấm, vị cay

+ Tác dụng

Cây sả có những tác dụng chính như sau:

  • Giải độc cơ thể: Sả có tác dụng thông tiểu tiện và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Chính vì vậy, chúng giúp tuyến tụy, thận, gan và bàng quang trở nên sạch sẽ hơn
  • Sát trùng: Theo một số nghiên cứu được đăng tải trên tạp chi y khoa Braxin cho thấy, sử dụng sả giống như một phương pháp điều trị nhiễm trùng khuẩn staph. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện, các tinh chất chứa trong cây sả có tác dụng ức chế và tiêu diệt vi khuẩn tốt hơn các loại thuốc kháng sinh.
  • Chống viêm: Một nghiên cứu được công bố vào năm 2010 cho biết, các tinh chất chiết xuất từ sả chanh có tác dụng chống viêm, giúp cải thiện triệu chứng bệnh viêm ruột
  • Ngăn ngừa ung thư: Theo các nhà khoa học, thường xuyên sử dụng nước sả sẽ giúp tiêu diệt tế bào ung thư như ung thư vú và ung thư gan. Bởi trong tinh chất sả có chứa thành phần luteolin – hoạt chất có khả năng ức chế, làm chậm sự tăng trưởng và tiêu diệt tế bào ung thư

Ngoài những tác dụng nêu trên, cây sả còn được biết đến bởi những công dụng sau:

  • Làm đẹp da
  • Điều trị rối loạn kinh nguyệt
  • Chống trầm cảm
  • Cải thiện tình trạng căng thẳng, chóng mặt và hỗ trợ điều trị bệnh Parkinson, Alzheimer
  • Tốt cho tóc
  • Giúp giảm cân
  • Có lợi cho hệ tiêu hóa

+ Tác dụng phụ

Hiện nay vẫn chưa có bất kỳ tài liệu nào ghi chép về tính không an toàn của cây sả. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn sức khỏe, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú không nên sử dụng sả để điều trị bệnh. Nguyên nhân là do sả có tác dụng kích thích tử cung dẫn đến sẩy thai.

+ Lưu ý

Khi sử dụng sả điều trị bệnh, người bệnh nên lưu ý những điểm sau:

  • Cây sả có tính ấm và có khả năng làm ra mồ hôi nên chỉ có tác dụng điều trị các chứng bệnh do hư hàn
  • Không nên sử dụng tinh dầu sả nguyên chất tránh gây kích ứng niêm mạc dạ dày
  • Người mắc các chứng bệnh do nhiệt hoặc cơ thể hư nhược không nên dùng sả

III. Bài thuốc chữa bệnh từ cây sả theo kinh nghiệm dân gian

+ Chữa rối loạn tiêu hóa và đau bụng

Dùng 30 – 50 gram sả tươi đem đun sôi. Sau đó hòa một lượng đường vừa phải, đủ ngọt và uống 2 – 3 lần mỗi ngày. Còn đối với chứng đau bụng đi tả, ngộ độc rượu hoặc bội thực, nên dùng 6 – 12 gram.

+ Giải độc

Dùng 1 bó sả đem rửa sạch và giã nát. Sau đó thêm nước lọc và gạn lấy 1 chén rồi uống

+ Chữa đau bụng tiêu chảy do lạnh

Dùng 12 gram củ sả, 20 gram củ gấu, 12 gram búp ổi và 12 gram vỏ quýt khô. Sắc chung với 2 bát nước cho đến khi cạn còn 1 bát. Uống khi nước thuốc còn nóng. Đối với trẻ nhỏ nên chia ra uống 2 – 3 lần trong ngày. Trong trường hợp triệu chứng bệnh không khỏi, bệnh nhân có thể thêm 15 gram tía tô sắc uống chung.

+ Chống trầm cảm

Sử dụng vài giọt tinh dầu sả pha trong cốc nước ấm và uống mỗi ngày sẽ giúp cải thiện tình trạng trầm cảm. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể nấu nước sả tắm hoặc xông hơi để giảm tình trạng căng thẳng và mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc.

+ Tốt cho tóc

Sử dụng 1 nắm thân sả đem nấu với 1,5 lít nước. Sau khi nước sôi, chờ nước nguội hoặc pha thêm nước, dùng gội đầu. Thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/ tuần giúp tóc mượt, chắc khỏe và hạn chế tình trạng rụng tóc.

+ Chữa ho

Sử dụng 250 gram rễ cây sả kết hợp với 250 gram trần bì và 250 gram sinh khương. Tất cả các vị thuốc này đem giã nát và ngâm với 200 ml rượu trắng 40 độ. Sau đó, dùng 500 gram bách bộ đã được bỏ lõi, thái nhỏ và sao khô với 300 gram mạch môn bỏ lõi và 200 gram tang bạch bì sao mật đem đun nước cho đến khi cạn thành cao lỏng 300 ml. Cuối cùng, trộn chung cao lỏng và rượu lại với nhau. Mỗi ngày uống 2 – 3 lần và mỗi lần uống khoảng 10 ml.

+ Giảm cân

Dùng 10 nhánh sả đem rửa sạch, đập dập rồi cho vào nồi cùng với vài lát chanh tươi, đun sôi. Sau khi nước sôi, lọc lấy nước và chờ nước nguội rồi pha thêm mật ong. Uống nước này vào mỗi buổi sáng sớm sẽ giúp đốt cháy mỡ thừa và thúc đẩy quá trình trao đổi chất, hỗ trợ giảm cân.

+ Chữa đái rắt và phù nề chân

Sử dụng 100 gram lá sả, 50 gram rễ cỏ tranh, 50 gram rễ cỏ xước và 50 gram bông mã đề đem rửa sạch, cắt nhỏ và đem phơi khô. Sau đó, cho vào ấm đun sôi với 400 ml nước. Chờ thuốc cạn còn 100 ml, lọc lấy thuốc, chia đều uống 2 lần trong ngày. Uống liên tục 3 – 4 ngày để cải thiện triệu chứng bệnh.

Cây sả mang lại nhiều tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Tuy nhiên, những bài thuốc chữa bệnh từ nguyên liệu tự nhiên nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo và chưa được khoa học chứng minh. Do đó, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Nguồn: https://www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/cay-sa

Keywords: