Khuynh Diệp, cây trị cảm quen thuộc của người Việt


Xe đạp phổ thông
Trước năm 1975 tại Việt Nam, trong mỗi gia đình người Việt, nhất là miền nông thôn, đều có trữ một chai dầu khuynh diệp “Bác Sĩ Tín” để đề phòng khi trái gió trở trời. Dầu khuynh diệp được dùng khá phổ biến không những tại Việt Nam mà nhất là bên Úc và đã được mệnh danh là “Thuốc cảm cúm Úc Đại Lợi”. Tại Hoa Kỳ, Dầu Khuynh Diệp cũng là thành phần của nhiều thuốc thông dụng, từ trị cảm như Dristan, thoa bóp như Vicks, Vapo Rub đến xúc miệng như Listerine. Lá Khuynh Diệp cũng là thực phẩm của loài Đại Thử Koala, một trong những biểu tượng của nước Úc, bên cạnh các con Kangouroo, Platypus.

ĐẶC TÍNH THỰC VẬT VÀ LỊCH SỬ:

Rễ cây khuynh diệp có đặc tính giữ được một số lượng nước khá lớn. Thổ dân Úc đã nhai rễ để giải khát và uống nước sắc lá khuynh diệp để giải cảm sốt. Khi người Anh xem Úc như một nơi lưu đày các kẻ phạm pháp, họ bắt đầu gửi phạm nhân đến vùng Sydney từ năm 1780. Các dân nhập cư đầu tiên này đã phải tốn nhiều thời gian để tìm hiểu cây khuynh diệp và đã có rất nhiều người bị chết vì khát.

Vào khoảng năm 1840, thủy thủ đoàn của một chiếc tàu chở hàng Pháp, khi bỏ neo tại cảng Sydney bị mắc một loại bệnh sốt nóng và được chữa khỏi bằng nước sắc khuynh diệp. Các tin tức về khả năng chữa bệnh này lan truyền đến Âu Châu và từ đó cây được gọi là “Australian Fever Tree”. Đến năm 1860, Lá và Dầu khuynh diệp được xử dụng tại vùng Địa Trung Hải để trị loại sốt từng cơn gây ra bởi ký sinh trùng sốt rét. Thật ra, Khuynh diệp không có khả năng diệt được ký sinh trùng sốt rét (Plamodium loại Falciparum, loại Vivax hoặc Malarie) nhưng lại giúp tận diệt được bệnh sốt rét (Malaria) đã hoành hành từ hàng thế kỷ tại Ý, Sicilia và Algeria: lý do là bệnh Malaria được lan truyền nhờ muỗi Anopheles sống tại các vùng đầm lầy nước đọng. Khi trồng khuynh diệp tại các vùng này, cây hút hết nước, làm mất nước tù đọng khiến môi sinh của muỗi không còn và nhờ đó chấm dứt được bệnh.
Bàn học chống gù
Có vào khoảng hơn 500 loại khuynh diệp, trong đó ¾ mọc tại Úc châu. Riêng tại Hoa Kỳ, khuynh diệp được trồng nhiều nhất tại California và Arizona. Tại California có những vùng trồng khuynh diệp ngút ngàn, kéo dài hàng trăm cây số. Khuynh diệp du nhập vào California từ năm 1856 và được trồng rộng rãi để ngăn gió, lấy củi và tạo bóng mát.

Khuynh diệp vẫn được trồng như một loại cây tạo cảnh vì những lý do:

– Cây rất đẹp: Khoảng 50 loại, trong đó có thể kể các loại E. albens (hoa trắng), E.caesia (hoa hồng nhạt), E.cornuta (hoa vàng xanh), E.erythrocorys (hoa đỏ sậm)

– Cây chịu đựng được nhiều loại khí hậu, nơi khô cằn, từ ven biển đến vùng thung lũng, sa mạc..

– Cây không bị sâu bọ phá hoại, mà còn không để cho các loại cây khác mọc chung quanh vì rễ tiết ra một chất ngăn chặn được sự phát triển của các cây cối khác.

– Cây mọc rất nhanh. Tùy theo loại, khuynh diệp có thể mọc thành bụi cao khoảng 1.5m như các loại E.grossa, E.kruseana, macrocarpa, nhưng cũng có loại có thể mọc cao 100m, cao hơn cả cao ốc 40 tầng. E.globulus có thể cao khoảng trên 60cm. Cây có thể tăng trưởng hàng chục thước mỗi năm và thân sẽ trở thành đại mộc.

Riêng trong ngành tinh dầu và dược phẩm, các loại cây khuynh diệp được dùng nhiều nhất là:

– Eucalyptus globulus cho nhiều Eucalyptol nhất.

– E. Radiata cung cấp tinh dầu dịu hơn và ít gây khó chịu cho Da hơn.

– E. Citriodora, tinh dầu có mùi thơm của chanh.

– E. Coccifera với tinh dầu thoảng mùi bạc hà.

Phần được xử dụng trong kỹ nghệ Dược là lá đã trưởng thành (không dùng lá non). Lá già có hình thanh kiếm cong (scimitar) dày, màu xám xanh. Lá còn nguyên cuống có thể dài 25cm. Gân lá nổi lên rõ rệt ở mặt dưới. Lá có mùi rất rõ khi vò nát trên tay, đôi khi thơm mùi long não. Nếm có vị đắng nhẹ.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Lá trưởng thành chứa từ 1.5 đến 3.5% tinh dầu, và thành phần tinh dầu hơi thay đổi tùy theo loại. Nhưng các chất chính yếu vẫn là:

. 54 – 95% Cineol (1.8 Cineol; Eucalyptol) khi chưng cất bằng hơi nước để lấy tinh dầu, Cineol là thành phần xuất hiện đầu tiên.

. Một số các Monoterpenes gồm alpha-pipene Phellandrene, terpineol, citronellal, geranyl acetate, eudesmol, piperitones..

. Các Aldehyd dễ bay hơi loại iso-valeric.

. Các Tannins, Ellagitannins, Flavonoid…

DƯỢC TÍNH VÀ CÁCH DÙNG

Đặc tính Dược học của khuynh diệp chính là hoạt tính của Eucalyptol.

. Tác dụng của khuynh diệp trên Cảm, Cúm:

Eucalyptol trong khuynh diệp làm tan được chất đờm đọng đặc trong đường hô hấp, giúp cơ thể dễ tống xuất chúng ra ngoài. Điều này giải thích tại sao Eucalyptol có mặt trong rất nhiều kẹo ngậm Ho. Các thí nghiệm trên súc vật ở Liên Sô cho thấy Eucalyptol tiêu diệt được siêu vi trùng cúm (Hemophilus influenza), đồng thời cũng diệt được một số vi khuẩn, nên giúp ngăn ngừa được triệu chứng sưng phổi thường xảy ra nơi các người bị cảm.

. Khả năng sát trùng ngoài Da:

Eucalyptol có khả năng sát trùng rất cao, giúp trị được các trường hợp vết thương ngoài da như bị trầy, sứt, đứt chân tay. (Nghiên cứu tại American Phytotherapy Research Laboratory – Salt Lake City do Daniel Mowrey). Chỉ cần thoa một giọt dầu khuynh diệp là đủ giúp vết thương chóng lành.

. Tác dụng trị đau nhức bắp thịt:

Các nhà khoa học tại Đại Học California (Irvine) đã tìm thấy dầu khuynh diệp có tác dụng gia tăng sự lưu dụng của máu về chỗ bị sưng tạo đau nhức nơi bắp thịt. Đặc chế Eucxalyptamint phối hợp tác dụng giữa khuynh diệp và bạc hà rất tốt, dùng thoa bóp khi bị đau nhức bắp thịt hoặc khi bị sưng bắp thịt do sự va chạm trong khi chơi thể thao.

. Tác dụng trừ Gián, cản Sâu Bọ:

Gián là loại sâu bọ đáng ghét và khó trừ nhất. Khuynh diệp có thể giúp giải quyết vấn đề: Theo kết quả công bố trên Science News, chỉ cần nhỏ một vài giọt khuynh diệp trên quần áo trong tủ, Gián sẽ tránh xa!. Đa số các thuốc cản hay đuổi sâu bọ (Insect Repellent) đều chứa hóa chất độc hại Diethyl-toluamide. Để có thể tránh xa, không dùng chất này, Viện Nghiên Cứu Vệ Sinh và Y Khoa Nhiệt Đới Hoàng Gia Anh đã tìm phương thức ly trích được hoá chất p-menthane-3,8-diol (PMD) từ lá cây khuynh diệp. Hoá chất MPD cũng có trong Dầu Sả, vốn được Trung Quốc dùng từ năm 1977 trong một chế phẩm ngừa đuổi sâu bọ gọi là Quwenling. Viện nghiên cứu trên đã chế tạo được một hợp chất ngừa mới, đuổi côn trùng đặt tên là Mosiguard Natural chứa 50% PMD cùng với hợp chất khác ly trích từ Sả và Bạc hà Anh (Pennyroyal hay menthe pulgium). Khi thử nghiệm khả năng chống muỗi của Mosiguard cho thấy tác dụng của Mosiguard tương đương với Autan (50% dầu Sả với 20 Diethyl toluamide) mà đồng thời tác dụng lại kéo dài hơn (Phytotherapy Research – 10/1996)

. Dầu Khuynh Diệp và phương pháp trị liệu bằng Hương Liệu (Aromatherapy)

Dầu khuynh diệp là một trong những hương liệu được dùng nhiều nhất trong Aromatherapy, với tác dụng thông hơi để trị cảm, nghẹt mũi cùng tức ngực. Vì ngoài tác dụng kích thích hệ hô hấp, dầu khuynh diệp còn giúp diệt trừ được các vi trùng gây bệnh đường hô hấp. Dầu khuynh diệp khi phun trong không khí (spray) có thể giúp ngăn ngừa sự lan truyền của Cúm. Tác giả người Pháp, Jean Valnet đã cho biết: Hỗn hợp phun hơi chứa 2% dầu khuynh diệp có thể diệt được 70% vi trùng Staphylococci trong không khí. Điểm đặc biệt nên chú ý là tác dụng của dầu khuynh diệp cao hơn hẳn Eucalyptol nguyên chất khi dùng phun hơi. Điều này có thể giải thích được là do tác dụng của các Aromadendrene và phelladrene khi tiếp xúc với oxy trong không khí, tạo ra hợp chất Ozone diệt được vi trùng. Tác dụng sát trùng của khuynh diệp cũng đã được thổ dân Úc dùng từ lâu đời khi họ buộc lá cây vào vết thương. Dung dịch pha loãng của dầu khuynh diệp cũng đã được dùng từ lâu để khử trùng các dụng cụ giải phẫu và băng bó vết thương sau khi mổ. Dầu Khuynh diệp cũng đã được dùng ở Việt Nam để trị các trường hợp Phỏng, và cho thấy tác dụng rất tốt để tạo da non nơi vết phỏng.

. Tác dụng trên Tóc và bệnh Gầu Tóc:

Tác dụng của Dầu Khuynh Diệp trên Tóc và Gầu Tóc được nghiên cứu từ năm 1939 và cho thấy một dung dịch chứa 2% Dầu Khuynh Diệp (khoảng 10 giọt trong 240ml) sẽ làm thông thoát nang chân tóc, giúp tạo ẩm độ nơi chân tóc làm bớt được sự rụng tóc và bảo vệ được da đầu, chống lại các bệnh nấm tóc gây ra gầu. Một phương pháp đơn giản khác để giữ tóc khỏi rụng là trộn một phần Dầu Khuynh Diệp trong chín phần Dầu Hạnh Nhân. Thoa và chà sát vào Da đầu, giữ trong vòng 10 – 15 phút trước khi gội sạch trở lại.

ST

Keywords:

Bài viết trước đó Cây Hoắc Hương